Theo lộ trình, Hệ thống giao thông thông minh của FPT/Hitachi sẽ phải đi qua 2 đợt thử nghiệm trên diện rộng tại Hà Nội vào cuối năm 2012 và đầu 2013. Sau đó có thể đưa vào thương mại hóa vào cuối năm 2013.
FPT tự tin hệ thống giao thông thông minh của mình có ưu điểm hơn cả hệ thống VOV giao thông.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Lê Trọng Nghĩa, chuyên viên tư vấn cao cấp của FIS cho biết FIS đã hợp tác với Công ty Hitachi (Nhật Bản) để phát triển, thử nghiệm và triển khai Hệ thống giao thông thông minh (ITS) sử dụng dữ liệu định vị vệ tinh từ các xe hơi để tính toán tình trạng giao thông tại các đường và nút giao thông trong bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Hệ thống giao thông thông minh của FPT/Hitachi sử dụng dữ liệu định vị vệ tinh từ các xe hơi để tính toán tình trạng giao thông tại các đường và nút giao thông.
Tình trạng giao thông được cung cấp một cách định tính, trên cơ sở tính toán khoa học, qua đó, các cơ quan quản lý có thể cho biết chính xác những các điểm ùn tắc cũng như các vùng ảnh hưởng của tắc đường. Ví dụ như có thể cho biết tắc đường ở ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, đồng thời tính toán được khu vực tắc đường kéo dài đến đâu trên đường Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến, đơn vị tính toán có thể chính xác đến từng mét đường.
“So với hệ thống VOV giao thông hiện tại thì hệ thống giao thông thông minh kể trên có điểm ưu việt hơn hẳn”, ông Nghĩa khẳng định.
Cụ thể, VOV giao thông dựa nhiều vào thông tin từ các cộng tác viên và từ camera nên bị giới hạn về phạm vi và thời gian hoạt động. Còn hệ thống của FIS/Hitachi lấy mẫu dữ liệu từ xe hơi, nên có thể có thông tin bất cứ lúc nào có xe chạy trên đường.
Mặt khác, thông tin hiện trạng giao thông do FIS/Hitachi phát triển dựa trên công nghệ định vị GPS và công nghệ thông tin địa lý (GIS) nên có tầm ứng dụng rộng hơn VOV Giao thông, chẳng hạn có thể truy cập thông tin chỉ dẫn bằng máy tính, thông tin cũng có thể được tích hợp vào các thiết bị dẫn đường hoặc phần mềm trên điện thoại thông minh như iPhone, Android, Windows Phone (hiện VOV Giao thông đang cung cấp thông tin qua tương tác trên sóng FM hoặc qua trang web).
Ông Nghĩa chia sẻ, hệ thống mà FIS/Hitachi phát triển dựa trên việc lấy mẫu dữ liệu định vị từ xe ô tô nói riêng và các phương tiện giao thông nói chung. Vì vậy điều kiện cần để một địa phương triển khai được hệ thống này là phải có một số lượng xe đủ lớn lắp các thiết bị GPS. Điều kiện đủ là hạ tầng Internet và viễn thông đủ tốt để thông tin hiện trạng giao thông đến được với những người có nhu cầu. Tiền đầu tư cho một hệ thống như thế này nằm nhiều vào chi phí xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin GPS. Tùy thuộc vào độ rộng của vùng địa lý mà cần số lượng lấy mẫu cụ thể. Chẳng hạn, với một thành phố lớn như Hà Nội, sẽ phải cần từ 3.000 đến 3.500 xe tham gia.
“Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP, các doanh nghiệm giao thông vận tải như taxi sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS) lên các xe của mình. Các địa phương có thể tận dụng dữ liệu từ nguồn các thiết bị giám sát hành trình này để giảm chi phí triển khai hệ thống”, ông Nghĩa gợi ý.
Được biết từ tháng 8/2012, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm Hệ thống giao thông thông minh FPT/Hitachi.
Chia sẻ thêm thông tin về dự án, ông Nghĩa cho biết: “Qua một đợt thử nghiệm đầu tiên với 300 xe, hệ thống đã có thể cung cấp thông tin của 20% đường tại Hà Nội vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Trong 2 đợt thử nghiệm vào tháng 8/2012 và đầu 2013, chúng tôi sẽ nâng mức bao phủ lên 80%”.
Hà Nội được chọn là địa phương đầu tiên vì giao thông tại Hà Nội luôn là nỗi bức xúc lớn của chính quyền cũng như người dân. Hạ tầng giao thông Hà Nội mang nhiều đặc thù của một thành phố ở Việt Nam cũng như châu Á, đó là quy hoạch hạ tầng không tốt do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Thử nghiệm thành công tại Hà Nội sẽ mở ra một cơ hội rất lớn về thị trường, không chỉ trong phạm vi Việt Nam.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì làm việc với Tập đoàn FPT tiến hành nghiên cứu ứng dụng một số giải pháp giảm ùn tắc giao thông.FPT đã lập Đề án cải thiện giao thông đô thị bằng giải pháp CNTT-TT, và hiện đang tiến hành khảo sát, xây dựng 5 giải pháp gồm: Triển khai kênh cung cấp thông tin giao thông trên đường phố qua các biển báo điện tử; Xây dựng hệ thống camera giám sát tự động hỗ trợ việc “phạt nguội”; Sử dụng công nghệ nhận dạng RFID thu phí theo giờ; Xây dựng trung tâm điều hành phương tiện công cộng bằng việc triển khai hệ thống thông minh; Xây dựng hạ tầng giao thông thông minh với xe PRT(Personal Rapid Transport) chạy trên những đường ray trên không với tốc độ 40km/h theo con đường thông minh nhất do IT điều khiển bằng GPS với dự toán đầu tư tiết kiệm và theo phương thức Công tư hợp doanh (PPP).FPT cho rằng nếu thực hiện được những giải pháp ngắn hạn trên đây, trong vòng 6 - 12 tháng, Hà Nội có thể giảm 30% số vụ ùn tắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét